(nguồn : Dân trí) – “Siêu dự án” trị giá 85.813 tỷ đồng (hơn 3,6 tỷ USD) sẽ được Hà Nội khởi công vào ngày 25/6, hứa hẹn giảm ùn tắc giao thông và tạo tuyến vành đai liên kết Vùng thủ đô.
Một năm sau thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô, UBND Hà Nội – cơ quan được giao đầu mối quản lý dự án – đã chuẩn bị xong các thủ tục để khởi công vào sáng 25/6.
Từ sau lễ khởi công, vùng ngoại ô Hà Nội sẽ thành “đại công trường” với 7 dự án thành phần được đồng loạt triển khai. Trong đó, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, mỗi tỉnh đảm trách 2 dự án thành phần gồm dự án giải phóng mặt bằng và xây đường song hành trong địa giới hành chính của tỉnh mình.
Riêng dự án thành phần xây dựng cầu cạn cao tốc vành đai 4 (DATP 3) sẽ được kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT với UBND Hà Nội là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về triển vọng của tuyến đường vành đai 4, thạc sĩ Vũ Anh Tuấn (Đại học Giao thông vận tải) đánh giá công trình sẽ trở thành một trục “đường tránh” khổng lồ để các tỉnh trong Vùng thủ đô có thể kết nối với nhau mà không cần phải đi qua nội thành Hà Nội.
“Đơn cử như từ Hà Nam đi Sơn Tây, nếu có vành đai 4 thì phương tiện không cần qua vành đai 3 nữa”, ông Tuấn nhận định.
Với vai trò của một tuyến đường tránh, vành đai 4 Hà Nội sẽ được thiết kế dạng cầu cạn cao tốc để phương tiện lưu thông nhanh với tốc độ 80km/h. Ths Vũ Anh Tuấn cho rằng cơ quan quản lý giao thông sẽ phải đảm bảo điều tiết lượng xe ra vào hợp lý, tránh tình trạng thiết kế cao tốc nhưng lưu thông như “rùa bò” như tuyến cầu cạn vành đai 3.
“Vấn đề của cầu cạn vành đai 3 là bị đô thị ‘nuốt chửng’ sau thời điểm mở rộng địa giới Hà Nội, bị biến thành đường nội đô với lượng xe ra vào không kiểm soát, không còn tính chất của một tuyến đường vành đai”, Ths Vũ Anh Tuấn nhận định.
Nói về dự án vành đai 4, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng tuyến đường sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở nhiều huyện, làm tiền đề cho tiến trình “lên quận” của các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn…
Nhìn trên bản đồ, tuyến đường vành đai 4 như sợi chỉ xâu chuỗi 1 quận và 6 huyện của Hà Nội.
Với khoảng 70% chiều dài đoạn tuyến đi qua đồng ruộng, đất nông nghiệp, tuyến đường hứa hẹn thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân ngoại thành, đồng thời là cơ sở cho quá trình chuyển từ huyện lên quận của nhiều địa phương.
Với một tuyến đường trị giá hơn 3,6 tỷ USD, chuyên gia Trần Ngọc Chính cho rằng Hà Nội và các địa phương cần có tầm nhìn trong quy hoạch, tính toán ngay từ đầu về số lượng dự án đô thị, dự án hạ tầng sẽ mọc lên 2 bên đường.
Một trong những thay đổi mà vành đai 4 sẽ tạo ra cho Hà Nội là việc giãn dân khỏi nội đô và đẩy các bến xe liên tỉnh, vốn đang án ngữ tại vành đai 3 gây ùn tắc giao thông, ra vị trí vành đai 4.
Theo Ths Vũ Anh Tuấn, xu hướng đưa các bến xe ra ngoại thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông ở nội đô. Tuy nhiên, thành phố sẽ cần tính toán kỹ, đảm bảo có phương tiện công cộng đủ thuận tiện để kết nối nội đô với ngoại thành.
Trong bối cảnh ùn tắc kinh niên tại các cửa ngõ của Hà Nội, người dân Vùng thủ đô đặc biệt là giới tài xế sẽ quan tâm xem thiết kế và cách vận hành của tuyến vành đai được “báo giá” lên tới 3,6 tỷ USD có “đáng đồng tiền bát gạo” hay không.
Theo tờ trình của UBND Hà Nội, vành đai 4 Vùng thủ đô sẽ được thiết kế gồm đường song hành 2 bên và cao tốc ở giữa.
Hạng mục cao tốc có 65% chiều dài đi trên cao (tương tự cầu cạn vành đai 3) và 35% đi dưới thấp. Phương tiện sẽ ra vào cao tốc tại các nút giao liên thông hoặc các dốc lên xuống được thiết kế dọc tuyến.
Trong đó, đường song hành sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách. Riêng hạng mục cao tốc sẽ đầu tư theo phương thức BOT, đồng nghĩa với việc các tài xế sẽ phải trả phí hoàn vốn cho dự án. TP Hà Nội chưa công bố mức phí BOT của dự án nhưng đã dự tính thời gian thu phí dự kiến trong 25 năm.
Để đảm bảo lưu thông thông suốt, hệ thống thu phí của vành đai 4 sẽ áp dụng công nghệ điện tử không dừng (ETC) hoàn toàn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ths Vũ Anh Tuấn cho biết điều khiến ông băn khoăn là việc áp dụng thu phí tại một tuyến đường vành đai của thủ đô. Vấn đề mức phí thế nào để hài lòng được các tài xế sẽ là bài toàn khó, trong bối cảnh mức phí càng thấp thì càng khó thu hút được doanh nghiệp BOT vào đầu tư.
Về thiết kế an toàn, cao tốc vành đai 4 trong giai đoạn 1 chỉ rộng 17-17,5m với 2 làn xe mỗi chiều. Các dải dừng khẩn cấp được bố trí cách nhau khoảng 5km, không liền mạch. Đây là thiết kế tương tự các tuyến cao tốc đang được đầu tư trên trục Bắc – Nam và khiến nhiều tài xế không hài lòng vì mức độ an toàn không cao như thiết kế làn dừng khẩn cấp liền mạch.
Nhìn tổng thể, Ths Vũ Anh Tuấn cho rằng tuyến đường vành đai 4 sẽ chỉ giúp giảm áp lực giao thông từ các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội. Ngoài ra, nó không có giá trị đáng kể trong việc giải quyết ùn tắc giao thông ở nội đô.
Với bài toán tắc nghẽn nội đô, ông cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là giảm lượng xe cá nhân và đẩy nhanh các dự án đường sắt đô thị.
Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Thời gian thi công: 2023-2027.
Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án GPMB, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.
Chia sẻ bài viết: