Làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Nguồn: Vietnam+)
Đánh giá về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền Điện tử và Chuyển đổi Số tại buổi làm việc gần đây với Đoàn Giám sát Hội đồng Nhân dân thành phố, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết năm 2022, kết quả triển khai cải cách hành chính của Sở tăng 2 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công (SIPAS) tăng 7 bậc so với năm 2021.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày (giảm 3 ngày); thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày...
Đồng thời, Sở rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, rà soát từng thành phần hồ sơ, khâu thực hiện, liên thông hồ sơ, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30-50%.
Sở áp dụng hình thức gửi văn bản và giấy mời theo hệ thống thư điện tử; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện và duy trì sử dụng ổn định hệ thống mạng LAN.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được trang bị, lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động theo hướng hiện đại. Toàn bộ hồ sơ hành chính giao dịch của tổ chức, công dân được xử lý, lưu vết trên phần mềm, quản lý trên một cơ sở dữ liệu chung.
Về triển khai xây dựng Chính quyền Điện tử, Sở cũng bước đầu thực hiện, hình thành phương thức làm việc mới hiện đại, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Hiện nay, Sở đã triển khai phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp, xây dựng và cung cấp 6 dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Sở.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến nhiều hồ sơ phải do cán bộ Sở làm thay cho người dân khi đến nộp hồ sơ; việc trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được người dân sử dụng do hồ sơ về đất đai (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có giá trị lớn, người dân chưa tin tưởng để giao cho đơn vị bưu chính.
Các trang thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, hiện đã xuống cấp cần bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp để triển khai các hệ thống thông tin dùng chung do thành phố triển khai.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết Sở tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; xác định rõ trách nhiệm của trưởng phòng, đơn vị đối với kết quả, nhiệm vụ cải cách hành chính.
Sở yêu cầu các đơn vị sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong việc giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý công việc qua hệ thống thông tin báo cáo và hệ thống quản lý văn bản, điều hành tập trung của thành phố.
Sở tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại; thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông," tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết công việc liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đặc biệt, thực hiện "Quy chế phối hợp liên thông giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn Hà Nội" do Ủy ban Nhân dân thành phố vừa ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính liên thông.
Các sở, cơ quan tương đương sở, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn Hà Nội là các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
Theo Quy chế mới này, thành phố quy định nguyên tắc phối hợp, nội dung công việc, thời gian giải quyết hồ sơ, sự phối hợp liên thông và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Các thủ tục hành chính liên thông trong Quy chế này, gồm: chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất, thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
Thủ tục hành chính liên thông còn bao gồm việc bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm; gia hạn sử dụng đất ngoài Khu Công nghệ Cao, Khu Kinh tế./.
Chia sẻ bài viết: